Trọng trách trước cử tri
> Công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII
> Danh sách 500 đại biểu Quốc hội khóa XIII
TP - Hôm qua, danh sách 500 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII đã chính thức được công bố. Đây là những người tiêu biểu nhất, hội đủ đức, tài, đại diện cho tiếng nói của hơn 62 triệu cử tri cả nước.
Cụ thể, đại biểu Quốc hội sẽ thay mặt cử tri để bấm nút thông qua các đạo luật; quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước; giám sát tối cao hoạt động của bộ máy nhà nước để bộ máy này phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Trình độ của các đại biểu kỳ này cao hơn hẳn nhiệm kỳ trước. 229 đại biểu có trình độ trên đại học (chiếm 45,8%), 262 đại biểu có trình độ đại học (52,4%). Tuy nhiên, điều quan trọng hơn ở người đại biểu là phải thường xuyên gắn bó với cử tri, nói được tiếng nói của cử tri.
Theo GS-TS Trần Ngọc Đường, những đại biểu trúng cử phải gánh vác trách nhiệm rất nặng nề. Nhiệm vụ quyền hạn của đại biểu rất lớn. Phát huy và thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn mà luật quy định cho mỗi đại biểu là không đơn giản. Muốn đạt được điều này, đòi hỏi không những sự am hiểu thực tiễn cuộc sống, am hiểu con người, mà đại biểu còn phải có kỹ năng hoạt động nghị trường.
Hoạt động đại biểu phải thông qua diễn thuyết bằng ngôn ngữ, tranh luận, phản biện, đóng góp ý kiến. Mà đã nói là dễ va chạm, dẫn đến người này thích, người kia không đồng tình. Do vậy, đại biểu phải có bản lĩnh, mà muốn có bản lĩnh thì phải am hiểu, nắm chắc thông tin, có cái tâm tốt.
Bầu cử là phương thức để nhân dân giao quyền lực nhà nước cho những người xứng đáng, thay mặt mình nắm giữ. Đây là nguồn gốc, cội nguồn của sức mạnh nhà nước. Trên cơ sở này để quyền lực nhà nước được tổ chức một cách chính thức, công khai, dân chủ. Người dân sẽ kiểm soát xem người mình đã bầu trong nhiệm kỳ qua hoạt động như thế nào. Nếu họ ứng cử lại mà dân thấy không xứng đáng thì không “chọn mặt gửi vàng” nữa.
Việc 15 ứng viên do trung ương giới thiệu, trong đó có một số đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XII không trúng cử đã thể hiện lá phiếu dân chủ và sự lựa chọn của cử tri.
Do vậy, trọng trách quan trọng của mỗi đại biểu trúng cử là thiết lập được mối quan hệ tác động qua lại giữa đại biểu và cử tri trong quá trình hoạt động của mình.
Trong mối quan hệ này, người đại biểu phải làm tròn trách nhiệm của mình, không phụ lòng mong đợi của cử tri. Người dân mong muốn các ĐBQH kỳ này phải thực hiện đầy đủ, có chất lượng, hiệu quả hơn nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
[right]