Trường THPT Số 1 Mộ Đức
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Trường THPT Số 1 Mộ Đức

Diễn đàn trường THPT số 1 Mộ Đức
 
Trang ChínhGalleryLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

Share | 
 

 Khái quát về huyện Mộ Đức

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
Helios
Administator
Administator
Helios

Tổng số bài gửi : 972
Reputation : 61
20/07/1991
Join date : 04/10/2009
Age : 33
Đến từ : HCMUS - cntt
MD1coin : 1798

Khái quát về huyện Mộ Đức _
Bài gửiTiêu đề: Khái quát về huyện Mộ Đức   Khái quát về huyện Mộ Đức Icon_minitimeMon Jun 14, 2010 11:52 pm

Khái quát về huyện Mộ Đức 32701269414761

MỘ ĐỨC là huyện đồng bằng nằm ven biển ở phía nam tỉnh Quảng Ngãi. Phía bắc giáp các huyện Tư Nghĩa và Nghĩa Hành; phía nam giáp huyện Đức Phổ; phía tây giáp huyện Nghĩa Hành; phía đông giáp biển Đông. Hình thể huyện tựa như một hình tam giác, nhọn hẹp ở phía bắc, phình rộng ở phía nam. Diện tích: 212,23km2. Dân số: 144.668 người (năm 2005). Mật độ dân số: 682 người/km2(1).



Đơn vị hành chính trực thuộc gồm 12 xã (Đức Nhuận, Đức Lợi, Đức Thắng, Đức Hiệp, Đức Hòa, Đức Chánh, Đức Thạnh, Đức Minh, Đức Tân, Đức Phú, Đức Phong, Đức Lân), 1 thị trấn (Mộ Đức, huyện lị), với 69 thôn, tổ dân phố; trong đó:
Thị trấn Mộ Đức có 3 tổ dân phố, tên gọi theo thứ tự từ tổ 1 đến tổ 3;
Xã Đức Nhuận có 8 thôn, tên gọi theo thứ tự từ thôn 1 đến thôn 8 (trước năm 2003 có 2 thôn: Bồ Đề, Năng An);
Xã Đức Lợi có 4 thôn: An Mô, An Chuẩn, Kỳ Tân, Vĩnh Phú;
Xã Đức Thắng có 7 thôn: Dương Quang, Gia Hòa, Tân Định, An Tĩnh, Thanh Long, Mỹ Khánh, Đại Thạnh;
Xã Đức Chánh có 6 thôn, tên gọi theo thứ tự từ thôn 1 đến thôn 6 (trước kia là các thôn Văn Bân, An Phong, Kiến Khương, Hoài An);
Xã Đức Hiệp có 5 thôn: An Long, Nghĩa Lập, Phú An, Phước Sơn, Chú Tượng;
Xã Đức Minh có 4 thôn: Minh Tân Bắc, Minh Tân Nam, Đạm Thuỷ Bắc, Đạm Thuỷ Nam;
Xã Đức Thạnh có 4 thôn: Phước Thịnh, Lương Nông Bắc, Lương Nông Nam, Đôn Lương (xưa là làng Thi Phổ Nhì);
Xã Đức Tân có 5 thôn, tên gọi theo thứ tự từ thôn 1 đến thôn 5 (xưa là làng Thi Phổ Nhất);
Xã Đức Hòa có 9 thôn: Phước An, Phước Luông, Phước Hiệp, Phước Điền, Phước Mỹ, Phước Toàn, Phước Xã, Phước Chánh, Phước Tây (xưa là 6 xã Vạn Phước);
Xã ĐứcPhú có 5 thôn: Phước Vĩnh, Phước Thuận, Phước Đức, Phước Hòa, Phước Lộc (xưa là các thôn Vĩnh Trường, Vạn Lộc);
Xã Đức Phong có 5 thôn: Văn Hà, Thạch Than, Lâm Thượng, Lâm Hạ, Châu Me;
Xã Đức Lân có 4 thôn: Tú Sơn 1, Tú Sơn 2, Thạch Trụ Đông, Thạch Trụ Tây (xưa là hai làng Tú Sơn, Thạch Trụ); huyện lỵ Mộ Đức có thời từng đóng ở Thạch Trụ.
Mộ Đức là huyện đồng bằng trọng điểm lúa của tỉnh Quảng Ngãi. Có Quốc lộ 1, Quốc lộ 24 và đường sắt Thống Nhất chạy qua. Nghề chính xưa nay vẫn là nghề nông, công thương nghiệp truyền thống có một số làng nghề đáng chú ý và ngày nay đang được đẩy mạnh. Mộ Đức là quê hương của nhà chính trị, nhà văn hóa lớn Phạm Văn Đồng.
*
* *
Về hành chính: Đời nhà Hồ, Mộ Đức có tên là huyện Khê Cẩm thuộc châu Nghĩa, một trong bốn châu của lộ Thăng Hoa (tức Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay). Đời Lê, Mộ Đức có tên là huyện Mộ Hoa bao gồm rẻo đất từ nam sông Vệ đến hết đèo Bình Đê (giáp giới với tỉnh Bình Định ngày nay). Đời Lê, huyện Mộ Hoa có 53 xã, thôn. Đến đời Nguyễn, năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), vì kỵ huý, huyện Mộ Hoa phải đổi lại là Mộ Đức, tuy địa giới vẫn như trước, nhưng có đến 6 tổng với 175 xã thôn. Sáu tổng ở Mộ Đức là Quy Đức, Cảm Đức, Triêm Đức, Ca Đức, Lại Đức, Tri Đức. Từ cuối thế kỷ XIX (dưới thời Pháp thuộc), các tổng, xã phía nam tách lập châu rồi huyện Đức Phổ, các xã phía bắc - tây bắc nhập vào huyện Nghĩa Hành.



Năm 1932, huyện Mộ Đức đổi là phủ Mộ Đức. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, huyện Mộ Đức mang tên là huyện Nguyễn Bá Loan (tên một chí sĩ yêu nước trong phong trào Cần vương, Duy tân), sau đó lấy lại tên cũ, các tổng được bãi bỏ, các xã cũ hợp lại thành xã mới lớn hơn và trực thuộc huyện. Sau nhiều lần điều chỉnh, huyện Mộ Đức đã ổn định với 11 xã là các xã Đức Nhuận, Đức Thắng, Đức Chánh, Đức Hiệp, Đức Minh, Đức Thạnh, Đức Tân, Đức Hòa, Đức Phú, Đức Phong, Đức Lân.


Trong thời kỳ chính quyền Sài Gòn kiểm soát, huyện Mộ Đức đổi tên là quận Mộ Đức, kể từ giữa 1958 tên các xã đổi lại, với tổng số 12 xã: xã Đức Nhuận đổi là xã Đức Quang; xã Đức Hải tách lập từ một phần xã Đức Thắng; xã Đức Thắng đổi là xã Đức Phụng; xã Đức Chánh đổi là xã Đức Hoài; xã Đức Hiệp đổi là xã Đức Thọ; xã Đức Minh đổi là xã Đức Lương; xã Đức Thạnh đổi là xã Đức Phước; xã Đức Tân đổi là xã Đức Vinh; xã Đức Hòa đổi là xã Đức Thạch; xã Đức Phú đổi là xã Đức Sơn; xã Đức Phong đổi là xã Đức Thuận; xã Đức Lân đổi là xã Đức Mỹ.
Phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng vẫn gọi theo tên xã có từ thời kháng chiến chống Pháp. Riêng xã Đức Hải do chính quyền Sài Gòn thành lập, từ ngày 11.3.1966, đặt tên là xã Đức Lợi.


Sau năm 1975, huyện Mộ Đức vẫn có 12 xã như trên. Năm 1987, một phần xã Đức Tân tách lập thị trấn Đồng Cát, đến năm 1992 đổi là thị trấn Mộ Đức. Huyện Mộ Đức từ đó có
13 xã, thị trấn (như đã kể ở phần trên).


Về tự nhiên, huyện Mộ Đức là dải đồng bằng ven biển, có núi cao ở phía tây như núi Lớn (Đại Sơn), núi Giàng, có các đồi sót ở rải rác trong huyện như núi Long Phụng, núi Điệp, núi Vom, núi Văn Bân, núi Ông Đọ, núi Thụ, núi Long Hồi. Chạy dọc ở phía bắc có sông Vệ (làm ranh giới với huyện Tư Nghĩa), từ sông Vệ có có chi lưu là sông Thoa chảy theo hướng đông nam, qua vùng trung tâm huyện. Từ tây sang đông, Mộ Đức có 4 kiểu địa hình, lần lượt là: vùng cao, vùng trung bình, vùng thấp, doi cát ven biển.



Bờ biển Mộ Đức dài 32km, nhưng là bãi ngang, chỉ có cửa Lở mở lấp hằng năm.


Đồng bằng Mộ Đức khá màu mỡ, thích hợp với cây lúa nước và nhiều giống cây trồng khác, tuy nhiên một số vùng hay bị úng ngập, nhất là dọc phía đông Quốc lộ 1. Đất gò đồi ở Mộ Đức có nhiều đá ong, có đất cao lanh, ở Tú Sơn, Thạch Trụ có suối khoáng.



Khí hậu ở Mộ Đức nhìn chung là ôn hòa, dễ chịu, nhưng thường chịu thiệt hại do bão tố, lũ lụt về mùa mưa.


Tình hình sử dụng đất đai (thời điểm 2005)(2): 1) Đất nông nghiệp 10.036ha, trong đó, đất trồng cây hàng năm 9.415ha, cây lâu năm 621ha; 2) Đất lâm nghiệp 5.638ha; 3) Đất chuyên dùng 2.931ha; 4) Đất khu dân cư 773ha; 5) Đất chưa sử dụng 1.819ha.


Cư dân huyện Mộ Đức chủ yếu là người Việt, trong tổng số dân 143.668 người chỉ có 36 người Hrê sống ở phía tây xã Đức Phú (thời điểm năm 2005). Xưa kia có một số người Hoa đến buôn bán, sinh sống ở Lạc Phố. Cư dân chủ yếu sống bằng nghề nông, kết hợp với đánh cá, làm nghề thủ công, buôn bán. Mật độ dân cư ở Mộ Đức khá cao (năm 2005 là 682 người/km2 so với mật độ trung bình toàn tỉnh là 250 người/km2, mật độ các huyện đồng bằng 569 người/km2). Dân cư cần cù, hiếu học và có truyền thống yêu nước khá nổi bật. Mộ Đức là quê hương của nhiều nhân vật lịch sử và nhiều chí sĩ cách mạng nổi tiếng.


Về truyền thống yêu nước cách mạng, điểm đáng chú ý trong lịch sử Mộ Đức là từ thời phong kiến và thời Pháp thuộc, có nhiều người tham gia các phong trào yêu nước và đã xuất hiện khá nhiều nhân vật lịch sử tiêu biểu. Đời Tây Sơn, Mộ Đức có Trần Quang Diệu (Thiếu phó) và nhiều vị Đô đốc khác. Mộ Đức cũng là quê hương của Lê Văn Duyệt (Tả quân, Tổng trấn Gia Định) cùng các đại thần triều Nguyễn như Nguyễn Bá Nghi (Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên), Nguyễn Văn Xuân (Đô đốc nhà Tây Sơn sau theo triều Nguyễn làm đến chức Tổng đốc), Nguyễn Hiệp, Nguyễn Tấn... Thời Cần vương chống Pháp xâm lược, Mộ Đức nổi bật có các thủ lĩnh phong trào Cần vương Quảng Ngãi là Nguyễn Bá Loan (con trai Nguyễn Bá Nghi), Trần Du (thủ lĩnh cuối cùng của phong trào Cần vương ở Quảng Ngãi); sau đó đến thời Duy tân, Nguyễn Bá Loan lại tái xuất hiện tham gia lãnh đạo Hội Duy tân, tham gia lãnh đạo phong trào cự sưu khất thuế và hy sinh năm 1908.
Phong trào yêu nước ở Mộ Đức đặc biệt dâng cao từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.



Từ việc hình thành tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đến tổ chức Dự bị Cộng sản ở tỉnh Quảng Ngãi, đều có sự vận động tích cực của các chiến sĩ ở Mộ Đức. Đặc biệt, Mộ Đức có hai ông Tú tài tân học, đều là những chiến sĩ cộng sản tiền bối, đó là Phạm Văn Đồng, Nguyễn Thiệu. Ở Mộ Đức, có các chiến sĩ tích cực tham gia thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi và sớm hình thành Đảng bộ Mộ Đức ngay từ mùa xuân năm 1930. Phong trào cách mạng 1930 - 1931 khởi đầu ở huyện Đức Phổ phía nam đã nhanh chóng chuyển sang Mộ Đức với cuộc biểu tình có đến 5.000 người tham gia và bị đàn áp đẫm máu ở Văn Hà (xã Đức Phong). Lực lượng có tổn thất, nhưng người Mộ Đức vẫn kiên trì với phong trào cách mạng trong huyện, trong tỉnh và trong nước. Chí sĩ Trần Toại gốc Mộ Đức trở thành Bí thư Đảng đầu tiên ở huyện miền núi Ba Tơ, sau trở thành Bí thư Liên tỉnh ủy Bình Định - Phú Yên. Các ông Bùi Định, Trần Lương (Trần Nam Trung, sau là Trung tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam), Võ Sỹ (Lê Văn Sỹ) quê ở Mộ Đức đều hoạt động tích cực trong phong trào cách mạng ở Quảng Ngãi, cơ sở cách mạng ở Mộ Đức vẫn tìm cách chắp nối với cấp trên để phong trào cách mạng trong huyện được duy trì liên tục.



Trong thời kỳ từ cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ 11.3.1945 đến Cách mạng tháng Tám 1945, Mộ Đức đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho cuộc khởi nghĩa bùng nổ, trở thành nơi đóng căn cứ địa của Đội Du kích Ba Tơ (chiến khu Núi Lớn) và nơi có trụ sở của cơ quan Tỉnh uỷ. Trong Tổng khởi nghĩa, ở Mộ Đức đã diễn ra trận Mỏ Cày đánh thắng quân Nhật.
Trong kháng chiến chống Pháp, Mộ Đức đã góp phần giữ vững vùng tự do Liên khu V và đóng góp nhiều nhân tài vật lực cho cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi, bẻ gãy nhiều cuộc đột kích, xâm nhập của quân Pháp từ hướng biển. Cư dân Mộ Đức cũng phải chịu đựng nhiều tổn thất về người và của cải do quân Pháp bao vây, bắn phá, nhất là các làng xóm ở dọc bờ biển. Nạn đói xảy ra năm 1952 đã làm chết nhiều người ở vùng Kỳ Tân, An Chuẩn. Trong thời kháng chiến chống Pháp, Mộ Đức có nhiều tấm gương trong lao động và chiến đấu, trong đó có ông Phạm Đường vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi thời kháng chiến chống Pháp.


Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, người dân Mộ Đức kiên cường kháng chiến, đóng góp nhiều công sức, xương máu cho cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn. Cuộc chiến diễn ra ở Mộ Đức hết sức ác liệt, nhất là trong thời gian quân viễn chinh Mỹ thực hiện chiến lược "chiến tranh cục bộ", trực tiếp tham chiến ở Việt Nam. Quân địch chà đi xát lại, bắn phá nhiều lần ở khắp các vùng trong huyện, nhưng cán bộ và nhân dân Mộ Đức vẫn kiên cường bám đất, chiến đấu quyết liệt với kẻ địch, tạo lập được nhiều chiến thắng lớn, nhưng cũng phải chịu đựng nhiều mất mát, hy sinh. Quân viễn chinh Mỹ gây ra nhiều vụ tàn sát đẫm máu ở Hầm Xác Máu, địa đạo Lâm Sơn, bãi biển Tân An.



Mộ Đức được hoàn toàn giải phóng ngày 23.3.1975. Trong 30 năm qua (1975 - 2005), công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững.
Với những đóng góp vào các cuộc kháng chiến, huyện Mộ Đức có 15 đơn vị và 14 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, có 400 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng(4).
*
* *
Về kinh tế, Mộ Đức là huyện trọng điểm lúa của tỉnh Quảng Ngãi. Nghề nông từ xưa đến nay vẫn là ngành sản xuất chính, một nguồn sống quan trọng của nhân dân trong huyện, trong khi tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng cao và góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế, cải biến cơ cấu kinh tế theo hướng ngày càng tiến bộ.


Nghề nông, lâm, ngư nghiệp
Tính đến năm 2005, trong số trên 144.500 người dân của Mộ Đức, có đến trên 113.000 người sống bằng nghề nông, lâm và ngư nghiệp (chủ yếu là nghề nông) với gần 55.500 lao động (so với 12.500 lao động trong các nghề khác), chiếm khoảng 5/6 tổng số lao động của toàn huyện. Trừ xã Đức Lợi chủ yếu sống bằng ngư nghiệp, các xã khác hầu hết dân số đều sống bằng nghề nông. Giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản là 397,803 tỉ đồng (giá trị hiện hành 2005), trong đó nông nghiệp chiếm đến 309,399 tỉ đồng (trồng trọt 229,029 tỉ đồng, chăn nuôi 69,162 tỉ đồng), các dịch vụ nông nghiệp trên 11,208 tỉ đồng, lâm nghiệp trên 5,554 tỉ đồng, thủy sản gần 82,850 tỉ đồng.


Trong trồng trọt, ngoài diện tích trồng lúa chiếm phần lớn đất canh tác, nông dân Mộ Đức còn trồng nhiều loại cây khác như mía, lạc, dâu tằm... Cây lương thực chính là lúa với trên 5.459ha đất canh tác. Sau lúa, ngô có 1.176ha. Năm 2005, sản lượng lương thực của Mộ Đức là 65.080 tấn. Bình quân lương thực có hạt trên đầu người năm 2005 ở Mộ Đức là 449,9kg, cao nhất trong các huyện, thành phố của tỉnh Quảng Ngãi(5). Xét trong nội hạt huyện, trừ xã Đức Lợi chủ yếu làm nghề cá, diện tích canh tác ít, xã Đức Minh có điều kiện đất đai không thuận lợi cho sản xuất lương thực, còn lại 11 xã, thị trấn khác, bình quân lương thực đầu người đều từ 350kg trở lên, cao vượt trội là xã Đức Phú 774kg. Có 3 xã trên 500kg là Đức Thắng, Đức Hòa, Đức Lân. Có 5 xã, thị trấn trên 400kg là Đức Tân, Đức Nhuận, Đức Thạnh, Đức Chánh, thị trấn Mộ Đức. Sản xuất lương thực ở Mộ Đức ngoài việc dùng để nuôi sống dân cư trong địa hạt, còn để bán và để phát triển chăn nuôi.


Ngành chăn nuôi được chú ý phát triển, trong đó chủ yếu là chăn nuôi gia súc, gia cầm như trâu, bò, heo, gà, vịt, dê... Số lượng vật nuôi ở Mộ Đức năm 2005 như sau: 1) Trâu 1.656 con (nhiều nhất ở các xã Đức Phú 420 con, Đức Hòa 235 con, Đức Phong 253 con); 2) Bò 19.026 con (nhiều nhất ở các xã Đức Lân 2.860 con, Đức Phong 2.090 con, Đức Phú 2.540 con); 3) Lợn 90.570 con (nhiều nhất ở các xã Đức Phong 15.088 con, Đức Chánh 14.072 con, Đức Nhuận 12.304 con); 4) Dê 1.621 con; 5) Gà 161.500 con; 6) Vịt 116.000 con; 7) Ngan, ngỗng 137.145 con.


Nghề nông ở Mộ Đức ngày nay còn có thêm các trang trại, phát triển kinh tế vườn rừng và bước đầu gặt hái được nhiều kết quả đáng chú ý. Đến năm 2005 địa hạt Mộ Đức có 68 trang trại, trong đó có 27 trang trại trồng cây lâu năm, 17 trang trại chăn nuôi, 9 trang trại trồng cây hàng năm, 9 trang trại lâm nghiệp, 6 trang trại thủy sản.


Cư dân Mộ Đức vốn có truyền thống làm thuỷ lợi, như đào sông Thoa, làm các bờ xe nước trên sông Vệ (có từ mấy trăm năm trước), đào kênh Tứ Đức, kênh tiêu Bàu Súng (trong kháng chiến chống Pháp), đắp các hồ chứa nước (Hóc Sằm, Mạnh Điểu, Lổ Thùng, Hóc Mít...). Sau 1975, có trạm bơm Nam Sông Vệ, kênh mương Thạch Nham... và các đập. Thủy lợi xưa nay đều có nhiều công trình nổi bật, phục vụ tốt cho canh tác. Tuy vậy, vẫn còn vấn đề rất nan giải là tiêu úng ở vùng hạ lưu sông Thoa ở phía đông Mộ Đức chưa được giải quyết căn bản.


Trong lâm nghiệp, rừng núi Lớn có nhiều dầu rái, trái ươi, xưa nay đều được khai thác, từ năm 1924 được đặt thành rừng cấm. Hiện nay rừng núi Lớn là khu rừng quan trọng nhất ở địa hạt Mộ Đức, được khoanh nuôi, bảo vệ. Ở ven biển có đai rừng phòng hộ chủ yếu trồng phi lao. Nghề rừng xưa cung cấp nhiều nguyên vật liệu thiết yếu cho sinh hoạt và sản xuất, ngày nay chủ yếu là trồng và chăm sóc rừng.



Trong ngư nghiệp, do không có cửa biển, nghề đánh bắt cá ở Mộ Đức ít có cơ hội phát triển như các huyện ven biển khác của tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, nghề cá vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống của cư dân Mộ Đức xưa nay với ý nghĩa nó là một nguồn cung cấp thực phẩm đáng kể. Cư dân dọc bờ biển đều ít nhiều làm nghề đánh bắt cá, tuy rằng sản lượng đánh bắt còn thấp. Ngày nay, song song với nghề đánh bắt cá, nghề chế biến thuỷ sản cũng được duy trì, đáng chú ý có nghề làm mắm ở Đức Lợi, đặc biệt nghề nuôi tôm trên cát mới phát triển ở các xã Đức Minh, Đức Phong. Cư dân Mộ Đức còn tận dụng các hồ chứa nước, các chân ruộng nước kết hợp nuôi cá nước ngọt để tăng thu nhập.


Xét về giá trị sản xuất thủy sản năm 2005 đạt 82,850 tỉ đồng, trong đó nuôi trồng chiếm đến 66 tỉ đồng. Như vậy thủy sản có xu hướng phát triển, nhưng nằm ở ngành nuôi trồng.
Về nguồn nhân lực hoạt động thuỷ sản, năm 2005 Mộ Đức có 2.035 lao động đánh bắt (với 754 hộ), phần lớn đều ở các xã Đức Lợi (1.680 lao động), Đức Minh (250 lao động); có tổng số 310 lao động nuôi trồng (với 152 hộ), chủ yếu ở các xã Đức Phong, Đức Minh, Đức Lợi. Phương tiện khai thác thủy sản ở Mộ Đức có 103 tàu có động cơ với tổng công suất 2.600CV, chủ yếu vẫn là xã Đức Lợi; có 80 thuyền không động cơ. Sản lượng đánh bắt năm 2005 là trên 2.105 tấn, còn rất nhỏ so với các huyện có biển khác. Diện tích nuôi trồng thủy sản (chỉ tính nuôi tôm) 190,30ha, sản lượng đạt 1.360 tấn (tôm 1.310 tấn), chủ yếu ở các xã Đức Phong, Đức Minh. Tuy nhiên, việc mở rộng nuôi trồng thủy sản đặt ra vấn đề khá hóc búa về môi trường.


Tiểu thủ công nghiệp
Dù tiểu thủ công nghiệp ở Mộ Đức chưa chiếm một giá trị cao (122,850 tỉ đồng theo giá hiện hành 2005), nhưng từ trong truyền thống, ở đây đã có những nghề khá phát triển. Nổi bật nhất là nghề đúc đồng ở Chú Tượng (Đức Hiệp). Nghề đúc đồng Chú Tượng có từ lâu đời, khá nổi tiếng, nhưng cho đến nay, đang hoạt động cầm chừng vì chưa thích ứng được với điều kiện mới. Ở Mộ Đức còn có nghề chế biến mạch nha, một đặc sản nổi tiếng ở Quảng Ngãi. Mạch nha ban đầu sản sinh ở Đồng Cát, Thi Phổ, sau lan ra nhiều nơi trong huyện, trong tỉnh, tuy vậy mạch nha ở Đồng Cát, Thi Phổ vẫn thơm ngon nhất. Ở Đức Chánh có nghề đan võng. Ở Đức Lân có nghề làm quạt giấy. Ở Đức Hiệp có nghề ươm tơ dệt lụa. Ngày nay, các nghề thủ công mới xuất hiện ngày một nhiều, như nghề làm đồ sắt, cưa xẻ gỗ, làm gạch, sửa chữa điện tử, cơ khí. Nghề làm gạch ngói khá thịnh hành ở xã Đức Nhuận. Năm 2005, toàn huyện có 1.931 cơ sở công nghiệp cá thể với 3.440 lao động.



Thương mại - dịch vụ
Cư dân Mộ Đức xưa tuy không chuyên nhiều về nghề buôn nhưng các hoạt động buôn bán vẫn được chú ý. Việc buôn bán xưa chủ yếu theo đường Thiên Lý, đường thuỷ trên sông Vệ và đường dọc biển. Người dân Mộ Đức còn lặn lội lên miền núi - chủ yếu ở các làng thuộc địa phận Ba Tơ ngày nay - buôn bán, trao đổi với đồng bào Hrê.
Các chợ hình thành dọc đường Thiên Lý là các chợ nổi tiếng nhất, như câu ca dao sau đây:
Kể từ Sông Vệ, chợ Gò,
Ngó qua Thi Phổ thấy đò Giắt Dây
Chợ Đồng Cát mua bán sum vầy
Ngó vô Lò Thổi thấy cây xùm xoà
Tú Sơn một đỗi xa xa....
Chợ Năng An bên sông Vệ, chợ Gò tức chợ Quán Lát, chợ Đồng Cát, chợ Lò Thổi, chợ Thạch Trụ... là những trung tâm buôn bán xưa nay ở Mộ Đức. Dịch vụ cũng dần phát triển theo thời gian. Từ thời phong kiến, trên đường Thiên Lý ở địa bàn Mộ Đức có quán Bồ Đề (nổi tiếng rượu ngon), rồi quán Địa Thi (Thi Phổ), có dịch vụ xe ngựa, cáng võng trên đường. Thời Pháp thuộc có thêm một số dịch vụ như cắt tóc, may mặc, điện tín (ở ga Vạn Tây). Thời hiện đại, việc buôn bán và làm dịch vụ của cư dân Mộ Đức ngày càng phong phú. Các trung tâm thương mại, dịch vụ dọc Quốc lộ 1, đặc biệt là Nam Sông Vệ, Đồng Cát, Thạch Trụ khá phát triển. Trong đó Thạch Trụ phát huy cao nhất ưu thế của mình là một giao điểm giữa 2 quốc lộ (Quốc lộ 1 và Quốc lộ 24), là một điểm xuất phát dẫn lên Tây Nguyên. Thời phong kiến, suối khoáng Thạch Trụ đã được biết đến. Thời Pháp thuộc, quan chức thực dân từng tìm đến đây chữa bệnh. Nhưng cho mãi đến gần cuối thế kỷ XX, ở đây mới ra đời một cơ sở dịch vụ du lịch. Tại các bãi biển như Tân Định, Lâm Hạ trước đây hoang vắng nay đã có dịch vụ tắm biển, tuy chưa thu hút thật đông khách, nhưng du lịch ở Mộ Đức đã bắt đầu phát triển. Theo thống kê của Mộ Đức cho biết, năm 2005 toàn huyện có 3.398 cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ với 3.978 lao động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ là 161,32 tỉ đồng.


Về cơ sở hạ tầng
Xưa kia Mộ Đức cơ bản là vùng nông thôn đồng bằng nhiều bùn lầy nước đọng, cơ sở hạ tầng hầu như không có gì đáng kể. Thời phong kiến chủ yếu là đường Thiên Lý chạy từ bắc đến nam huyện, có trạm Nghĩa Sơn ở Thạch Trụ, đường lên nguồn Ba Tơ cũng xuất phát ở đây. Thời Pháp thuộc, Quốc lộ 1 và đường sắt được xây dựng. Tuyến băng qua Mộ Đức có các ga Lam Điền, Vạn Tây, Thạch Trụ, đều là những ga xép. Trải qua chiến tranh, đường sá ít ỏi đó đã bị hư hại nhiều. Từ sau năm 1975, việc giao thông được chú ý xây dựng. Bên cạnh trục Quốc lộ 1 được nâng cấp, Quốc Lộ 24 dẫn lên Tây Nguyên được xây dựng, các trục tỉnh lộ Quán Lát - Đá Chát, Đồng Cát - Suối Bùn, đường quốc phòng Bồ Đề - Đức Lợi - Mỹ Á, đường nối từ Quốc lộ 1 xuống các vùng biển ở Đức Minh, Đức Phong, các cầu Văn Hà, Tân Phong được xây dựng. Phong trào làm giao thông nông thôn phát triển. Tất cả đã đã khiến việc giao thông - vận tải ở địa hạt Mộ Đức khá thông thuận.


Xưa ở địa hạt Mộ Đức có dịch trạm của nhà nước phong kiến đóng ở Thạch Trụ (trạm Nghĩa Sơn) là trạm vận chuyển, đưa công văn của các triều đình phong kiến. Từ thời Pháp thuộc, hệ thống thông tin có một số thay đổi. Thời kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hệ thống thông tin liên lạc được xây dựng phục vụ sự nghiệp cách mạng. Sau năm 1975, bưu điện huyện được xây dựng. Hiện tại bưu điện huyện có tổng dài điện tử 100.000 số, các bưu cục cấp 3 ở Quán Lát, Thi Phổ, Thạch Trụ, các bưu điện văn hóa xã đã được xây dựng. Số người dùng điện thoại ở địa bàn huyện ngày càng tăng nhanh, phổ biến (năm 2005 là 8.303 máy điện thoại cố định, 1.325 máy điện thoại di động).


Về điện, trước năm 1975, ở địa hạt Mộ Đức chỉ có vài máy phát điện công suất nhỏ, chủ yếu dùng cho bộ máy chính quyền địch. Điện chỉ thực sự xuất hiện từ sau năm 1975. Mạng lưới điện quốc gia đưa về Mộ Đức vào những năm đầu của thập niên chín mươi thế kỷ XX, hầu khắp mọi thôn xóm đều đã có điện. Lượng điện dùng cho sinh hoạt và sản xuất ngày càng tăng cao.
*
* * Địa hạt Mộ Đức có di sản văn hóa khá phong phú. Về văn hóa phi vật thể, có ca dao, hát hố, hát bả trạo, đặc biệt là hát múa sắc bùa ở vùng biển, vùng giáp giới với huyện Đức Phổ (thôn Văn Hà, Thạch Than, thuộc xã Đức Phong), kinh nghiệm làng nghề đúc đồng ở Chú Tượng (xã Đức Hiệp), ươm tơ dệt lụa ở Phú An... Trong văn hóa bác học, thời phong kiến có Phó bảng Nguyễn Bá Nghi với tác phẩm Sư Phần thi văn tập; Cử nhân Nguyễn Trọng Biện có Hà đê tấu tư tập (chữ Hán). Văn học thành văn tiếp tục phát triển với thơ văn yêu nước của các chiến sĩ cộng sản. Về văn hóa vật thể, Mộ Đức còn khá nhiều nhà rường có giá trị, chủ yếu ở xã Đức Nhuận và thị trấn huyện lỵ. Mộ Đức có 24 di tích đã được xếp hạng, có 2 di tích quốc gia, đáng chú ý như thắng cảnh núi Long Phụng - Chùa Hang, di tích lịch sử thì có đền Văn Thánh (Văn Bân), các nhà thờ tiền hiền Trần Cẩm, Nguyễn Mậu Phó, Trần Văn Đạt, tộc Trần ở Văn Bân, nhà thờ Lê Quang Đại (xã Đức Nhuận), di tích lịch sử cách mạng và di tích chiến thắng ở Địa đạo Đức Chánh, Rừng Nà, Hầm Bà Noa, Mỏ Cày, Đồng Mả, có các di tích các vụ thảm sát của quân Pháp và Mỹ ở Trà Niên, Hầm Xác Máu, Tân An, Phú Lộc, Lâm Sơn (đều nằm ở vùng đông huyện); có các di tích lưu niệm danh nhân Phạm Văn Đồng, Trần Hàm (ở Đức Tân). Các di tích ở Mộ Đức đã và đang được bảo tồn, tôn tạo, xây dựng bia bảng. Ở địa điểm chiến thắng Mỏ Cày đã dựng tượng đài bên Quốc lộ 1 thuộc địa phận xã Đức Chánh.


Văn hóa mới ở Mộ Đức có những điểm nổi bật: Phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa phát triển khá, việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa được chú trọng, văn nghệ, thể thao quần chúng có phong trào đều khắp.


Về giáo dục,việc học ở Mộ Đức phát triển khá sớm và có nhiều người thành đạt. Thời kỳ Nho học, địa hạt Mộ Đức (chỉ tính trong ranh giới huyện ngày nay) có 26 người đỗ từ Cử nhân trở lên, trong đó có một Phó bảng đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi (Nguyễn Bá Nghi), 2 Giải nguyên (Phạm Văn Chất, Trần Phan). Đến thời Tân học, có một số người đỗ Tú tài tân học và sau này trở thành các nhà cách mạng nổi tiếng như Tú Đồng (Phạm Văn Đồng), Tú Thiệu (Nguyễn Thiệu). Thời kỳ 1945 - 1954, các xã của Mộ Đức đều có trường Tiểu học, huyện có Trường Trung học cơ sở Nguyễn Bá Loan. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ở vùng tạm chiếm có Trường Bán công Nguyễn Công Trứ ở quận lỵ và các trường Tiểu học ở xã; ở vùng giải phóng, ngành giáo dục cũng có những bước phát triển khá. Trong 30 năm 1975 - 2005, giáo dục phát triển mạnh. Trên địa bàn huyện có 4 trường Trung học phổ thông (Mộ Đức I, Mộ Đức II, Trần Quang Diệu, Nguyễn Công Trứ). Ở các xã có 15 trường Trung học cơ sở, 21 trường Tiểu học và 19 trường Mẫu giáo. Địa hạt Mộ Đức ở thời điểm năm 2005 có 863 lớp học, 1.269 giáo viên với tổng số 32.529 học sinh phổ thông. Có Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi là trường chuyên của tỉnh. Học sinh Mộ Đức nhiều người học giỏi.


Nhiều người con của quê hương Mộ Đức có học hàm, học vị cao và có tiếng tăm trong nước như Giáo sư Đặng Biên, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Phụ, Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đức Ba, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Trân, Giáo sư Nguyễn Văn Sanh, Giáo sư Nguyễn Hóa, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hùng, Phó Giáo sư Huỳnh Như Phương, Phó Giáo sư Lê Trung Hoa, Phó Giáo sư Tiến sĩ Trịnh Sâm...



Về y tế, hệ thống chăm sóc sức khoẻ ở địa hạt Mộ Đức ngày nay khá hoàn chỉnh: ở huyện có Trung tâm y tế huyện, ở xã có trạm xá xã, đều có y bác sĩ. Xưa kia, y tế ở Mộ Đức dựa vào Đông y với sự khám, chữa bệnh của các thầy thuốc ở làng xã. Thời Pháp thuộc, Tây y mới bắt đầu manh nha. Trong kháng chiến chống Pháp, y tế Mộ Đức phát triển song song cả Đông y - Tây y. Thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có bệnh viện Mộ Đức do chính quyền Sài Gòn thiết lập ở Thiết Trường, ở xã có trạm xá xã. Ở vùng giải phóng, có bệnh xá C20 và các trạm phẫu, hình thành mạng lưới y tế xã, thôn. Từ 1975 đến 2005, công tác y tế được chú trọng và ngày càng phát triển rộng, có cả y tế dự phòng, y tế cộng đồng, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em và kế hoạch hóa gia đình. Trên địa bàn huyện có 1 bệnh viện trung tâm, 2 phòng khám khu vực, 1 đội vệ sinh phòng dịch, 13 trạm y tế xã, thị trấn, tổng số giường bệnh là 175 giường, có 146 cán bộ y tế trong đó có 38 bác sĩ.


Mộ Đức là huyện có mật độ dân số cao, nghề nông vốn là ngành sản xuất chính nhưng bình quân ruộng đất trên đầu người quá thấp, nên vấn đề lao động và việc làm là vấn đề hàng đầu đặt ra khá cấp bách. Lao động dôi dư khá lớn khiến có nhiều người đi tìm phương kế sinh sống ở xa. Lao động ở Mộ Đức đông đảo, hầu hết xuất thân từ nông dân, cần cù, có trình độ tương đối khá. Mộ Đức đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa các ngành nghề để giải quyết vấn đề lao động - việc làm, khai thác có hiệu quả tiềm năng lao động, đất đai và các tiềm năng khác, nhằm xây dựng huyện thành huyện vững mạnh của tỉnh Quảng Ngãi.

Nguồn: yeuquangngai.vn
Về Đầu Trang Go down
https://www.facebook.com/profile.php?id=100000140091173&a
nguyenthanhlong
Binh nhì
Binh nhì
nguyenthanhlong

Tổng số bài gửi : 6
Reputation : 0
20/08/1987
Join date : 30/06/2010
Age : 37
Đến từ : Lớp 12C4, Khóa 02-05, Trường Mộ Đức I
MD1coin : 6

Khái quát về huyện Mộ Đức _
Bài gửiTiêu đề: Re: Khái quát về huyện Mộ Đức   Khái quát về huyện Mộ Đức Icon_minitimeWed Jun 30, 2010 2:35 pm

Quái, Mộ Đức người tài không thiếu nhưng sao vẫn nghèo hoài vậy ta ??? :caijiday:
Về Đầu Trang Go down
ngoclan1811
Gà con
Gà con
ngoclan1811

Tổng số bài gửi : 1
Reputation : 0
18/11/1987
Join date : 30/06/2010
Age : 37
Đến từ : 12c4 - 2004-2005
MD1coin : 1

Khái quát về huyện Mộ Đức _
Bài gửiTiêu đề: Re: Khái quát về huyện Mộ Đức   Khái quát về huyện Mộ Đức Icon_minitimeWed Jun 30, 2010 11:03 pm

oai cai anh chang Long nay! noi ai dong qua! khong biet co mi nguoi doc day
Về Đầu Trang Go down
huynhthao
THƯỢNG SĨ
THƯỢNG SĨ
huynhthao

Tổng số bài gửi : 22
Reputation : 2
10/06/1993
Join date : 01/11/2011
Age : 31
Đến từ : K17YDD
MD1coin : 39

Khái quát về huyện Mộ Đức _
Bài gửiTiêu đề: Re: Khái quát về huyện Mộ Đức   Khái quát về huyện Mộ Đức Icon_minitimeTue May 01, 2012 12:18 pm

Tớ sẽ giới thiệu cho bạn bè ở lớp về quê mình, cảm ơn nhiều vì đã giúp mình hiểu thêm về quê hương!
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




Khái quát về huyện Mộ Đức _
Bài gửiTiêu đề: Re: Khái quát về huyện Mộ Đức   Khái quát về huyện Mộ Đức Icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 

Khái quát về huyện Mộ Đức

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Trường THPT Số 1 Mộ Đức :: Quê hương Mộ Đức - Quảng Ngãi :: Di tích lịch sử - Danh lam Thắng Cảnh-
Chuyển đến 
Múi giờ GMT +7.
Powered by Forumotion® Version phpBB2
Copyright ©2009 - 2010, Skin by SLOL, SKIN4U & DDTH
Diễn đàn trường THPT số 1 Mộ Đức - Huyện Mộ Đức - Tỉnh Quảng Ngãi. Điện thoại: 055.3857256 .
MoDuc1.com là diễn đàn mở, nội dung do các thành viên đưa lên.Truy cập, sử dụng website này nghĩa là bạn đã chấp nhận Quy định của diễn đàn.

Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Cookies | Thảo luận mới nhất