Khinh thân - lão nhân quá giang
(TNTS) Những khả năng kỳ lạ tưởng chừng chỉ xuất hiện trong phim ảnh hay ở một vùng đất xa xôi nào trên thế giới, lại được một môn phái võ thuật Việt Nam biểu diễn gây nên tiếng vang lớn trong nước và cả ở nước ngoài.
“Quái kiệt” võ lâm
Gọi ông Nguyễn Khắc Phấn là quái kiệt thật không sai chút nào. Đường đường là trưởng tràng môn Thiên Môn Đạo, kiêm luôn chức danh phụ trách các môn võ Việt ở đất thủ đô, ông lại để mái tóc búi tó dài chấm lưng, râu năm chòm đen mượt, cốt cách và khẩu khí khác thường. Ông không chút giấu diếm nói về “thành tích” một thời làm cửu vạn, bước chân từng phiêu bạt khắp chốn giang hồ. Cho đến một ngày dừng bước, ông quay về làng quê Dư Xá, Hà Tây, nhận lãnh chức trưởng tràng, đưa vai gánh vác trách nhiệm huấn luyện và xiển dương môn phái.
Tổ sáng lập môn phái Thiên Môn Đạo vốn là một nghĩa binh Tây Sơn tên Nguyễn Khắc Cống, từng giết tướng giặc Trương Sĩ Long tại trận đánh Ngọc Hồi. Kể từ khi lập phái đến nay đã qua 5 đời chưởng môn. Làng Dư Xá nổi tiếng thượng võ chính là phát xuất từ dòng võ Nguyễn Khắc.
Thiên Môn Đạo chính thức “xuất đầu lộ diện” giữa chốn võ lâm trong một thời gian ngắn đã tạo nên nhiều sự kiện nổi đình nổi đám. Võ sư Nguyễn Khắc Phấn không ngần ngại khẳng định những công phu của bản phái là các môn đặc trưng thuần Việt, không vay mượn hoặc pha tạp. Có đến 25 tiết mục biểu diễn hết sức độc đáo như: Thiết công, Ngự thiết công, Thạch đầu công, Nhu cốt công, Nhu công thụ lực, Nội nhục công phu, Lão nhân quá giang, Khẩu xỉ xiết hàm công…
Ba võ sư biểu diễn khinh thân
Âm vang của những màn biểu diễn xa đến độ các hãng truyền hình từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Tây Ban Nha, Áo… qua tận nơi phát tích để quay phim tài liệu, nghiên cứu. Có môn sinh như Ichi Taero từ đất nước Nhật Bản xin nhập môn và bỏ rất nhiều thời gian để khổ luyện cho bằng được môn Khinh thân (Lão nhân quá giang). Tại các kỳ tham gia festival võ thuật truyền thống thế giới tổ chức tại thành phố Chungju, Hàn Quốc có hàng chục nước tham dự, các tiết mục của Thiên Môn Đạo đại diện võ Việt Nam đã nhận được sự tán dương nồng nhiệt và giành được nhiều giải nhất.
Võ đường gốc ở Hà Tây có đến 2.000 người theo tập, có đủ nam thanh nữ tú tụ hội về lò võ và góp nên bản sắc lễ hội làng Dư Xá đậm chất văn hóa hằng năm. Riêng tại Hà Nội - đất của ngàn năm văn vật - võ phái Thiên Môn Đạo như tìm được chỗ dụng võ, hiện có khoảng 3.000 người luyện võ tại nhiều trung tâm thể dục thể thao cùng các địa điểm sinh hoạt văn hóa khác. Chưa vội đi sâu tìm hiểu về hệ thống võ học đặc sắc này, hãy thử điểm qua một vài tiết mục làm nên nội hàm công phu của võ phái.
Khinh thân - Lão nhân quá giang
Chạy được trên mặt nước tưởng chừng chỉ là huyền thoại như “Cước đạp lô diệp quá giang”, nói về Bồ Đề Đạt Ma đạp trên cọng cỏ lau vượt qua sông Trường Giang, ấn chứng một trình độ khinh công thượng thừa. Thế nhưng ngày nay các võ sinh Thiên Môn Đạo có thể “chơi trò” chạy trên mặt nước bằng thuật khinh thân qua quá trình khổ luyện kéo dài 5 năm. Số người thành tựu công phu này có thể kể đến con số năm, bảy chục, tuy nhiên để vượt qua cự ly 150-170m thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Các cao thủ phi hành như Trương Tiến Hợp, Trương Minh Thắng, Nguyễn Viết Chiến… luôn chinh phục người xem.
Ngự thiết công
Không phải vòng vo khiêm tốn, võ sư Nguyễn Khắc Phấn cho rằng con số chạy được 170m trên mặt nước đã lập được kỷ lục, “vì ở Trung Quốc họ cũng chỉ chạy được không quá 28m”. Công pháp khinh thân thuật thoạt nhìn đầy dáng vẻ bí hiểm khó tin, nhưng ngày nay có thể giải thích trên tinh thần khoa học. Nền tảng của khinh thân là luyện thuật đề khí, làm cho cơ thể trở nên nhẹ nhàng như chim bay, bướm lượn, có thể đi trên mặt nước, chạy trên lá sen. Con sông Đáy chảy qua huyện Ứng Hòa, Hà Tây thường được các võ sinh chọn làm nơi luyện tập và biểu diễn. Lớp chiếu cót mỏng nổi trên mặt nước làm vật đệm lót có sức nâng không đáng kể, làm điểm tựa cho bước chân phi hành.
Hòa vào Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tối 27.9 tại Hồ Gươm môn phái Thiên Môn Đạo có buổi biểu diễn hoành tráng với 6 đường chạy. Khoảng 60 võ sinh tham gia phi hành dưới ánh đèn và màu nước lung linh, tạo nên khung cảnh huyền ảo với hàng ngàn người dự khán.
Khẩu xỉ xiết hàm công
Trên thế giới từng có những dị nhân trình diễn màn dùng hàm răng kéo chiếc máy bay Boeing nặng cả trăm tấn chạy trên đường băng mà không bị toác quai hàm. Dù cơ hàm thuộc loại mạnh nhất trong các cơ của cơ thể, nhưng muốn làm được điều phi thường này phải trải qua nhiều kỳ công khổ luyện.
Khẩu xỉ xiết hàm công
Võ học cho thấy cơ thể con người tồn tại nhiều năng lượng tiềm ẩn dưới dạng ngủ yên, không được tận dụng khai thác. Thỉnh thoảng xảy ra hiện tượng khi gặp tình huống nguy hiểm cấp kỳ con người có thể vượt qua những giới hạn thông thường. Ví dụ, khi bị truy đuổi rất gấp có người nhảy bật tường hoặc vượt qua khe rãnh mà bình thường không thể nào làm được. Luyện công chính là phương pháp kích thích năng lượng, khai thác và sử dụng tạo nên các kỳ tích phi thường rất khó lý giải nếu không hiểu được nguyên lý của khí công.
Võ sinh Lê Song Hào dù chỉ mới 4 năm khổ luyện nhưng đã có nội lực vững vàng, tinh thần ổn định. Anh không còn cảnh hồi hộp hay phải run lên mỗi khi xuất hiện trước đám đông. Anh đã từng dùng hàm răng nhấc bổng một người nặng 70 kg quấn quanh một cuộn sắt tròn, đi vòng quanh sân diễn mà nét mặt không hề biến sắc. Đặc biệt với một chiếc xe tải nặng 2,5 tấn có 10 người ngồi lên, trên một con đường gồ ghề, anh đã dùng hàm răng kéo chiếc xe chạy băng băng làm những người mục kích vô cùng thán phục.
Ngự thiết công
Thông thường các trò Sơn Đông mãi võ hay có màn đâm dáo vào yết hầu với kiểu cách vận công xuống tấn uốn cong thân dáo nhìn rất đỗi rùng rợn. Nghe nói đến màn này, võ sư Phấn khẽ phẩy tay cười nhạt cho rằng đấy chỉ là trò bịp. Theo ông một người không luyện tập chi cả, chỉ cần nắm một chút tiểu xảo là làm được. Mũi dáo tưởng đâm trực diện vào yết hầu kỳ thực được tì vào xương ức, thân dáo bị uốn cong ở phần giữa, tất cả lực bị tản đi và tụ ở nơi tiếp đất. Đã từng có người đang lúc “vận công” biểu diễn, bị một cháu gái biết chút võ công chơi trò nghịch hét lên một tiếng làm anh ta giật mình, bị sức bật của ngọn dáo đẩy bắn ra xa.
Vùng yết hầu có huyệt Thiên đột là nơi rất dễ bị tổn thương khi bị lực xung kích tấn công. Muốn bế được huyệt đạo này phải luyện tới tầng công cao và phải có chân sư chỉ dạy để tránh sai lầm đáng tiếc. Một võ sinh chỉ mới 15 tuổi của Thiên Môn Đạo, được sư phụ Nguyễn Khắc Phấn ấn chứng bằng cách dùng đoạn sắt tròn đâm thẳng vào huyệt Thiên đột, đầu sắt bên kia tì vào thanh cảng đầu xe ô tô con 2 cầu. Tưởng đâu yết hầu của chú bé phút chốc sẽ bị đâm thủng. Nhưng không, chỉ thấy chú bé rùng gối xuống tấn, và chiếc xe dường như bị một lực tác động cực mạnh đã từ từ chuyển bánh. Không cần là một nhà vật lý, thông thường ai cũng có thể hình dung đối lực tác động lên vùng yết hầu khủng khiếp như thế nào. Có thể xác lập kỷ lục thế giới với những công phu thượng thừa này không?
Thanhnien